BỆNH ĐAU MẮT ĐỎ: NGUYÊN NHÂN, PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ VÀ CÁCH PHÒNG NGỪA
I. Khái niệm
Bệnh đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng mắt, xảy ra ở mọi lứa tuổi và thường gia tăng khi thời tiết chuyển mùa do vi khuẩn, virus hoặc do phản ứng dị ứng với một số tác nhân như hóa chất và môi trường…triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt
II. Nguyên nhân
- Tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh, qua đường hô hấp, qua nước mắt, nước bọt, bắt tay…
- Tiếp xúc gián tiếp qua việc cầm, nắm, chạm vào những vật dụng bị nhiễm vi khuẩn, virus gây bệnh (như tay nắm cửa, đồ chơi, nút bấm cầu thang…)
- Dùng chung vật dụng, đồ dùng cá nhân với người bệnh (như khăn mặt, ly/cốc nước uống, gối…)
- Sử dụng nguồn nước công cộng dễ bị nhiễm mầm bệnh (ao, hồ, bể bơi)
- Thói quen dùng tay dụi mắt, sờ vào mũi, ngậm vào miệng…
- Thời tiết nắng nóng chuyển qua mưa, độ ẩm không khí tăng cao, môi trường nhiều khói bụi, điều kiện vệ sinh kém, sử dụng nguồn nước ô nhiễm là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển và có thể bùng phát thành dịch.
- Khi giao mùa, cơ thể con người, nhất là những người nhạy cảm với thời tiết dễ mệt mỏi, hệ thống miễn dịch hoạt động yếu nên virus tấn công dễ dàng hơn.
Hình ảnh bệnh nhân đang điều trị tại khoa mắt bệnh viện ĐK Thanh Chương
III. Triệu chứng
Thời gian từ khi bị nhiễm đến khi phát bệnh khoảng 3 ngày. Bệnh nhân có thể thấy các triệu chứng như:
- Đỏ mắt, ngứa rát cộm mắt, vùng mi mắt hơi sưng nề.
- Nhạy cảm với ánh sáng, dễ bị chói mắt.
- Chảy nước mắt, nhiều gỉ mắt bẩn, ghèn bám dính chặt hai mi mắt nhất là lúc mới ngủ dậy.
- Khó nhìn nhưng thị lực không giảm.
- Xuất huyết dưới kết mạc
- Ngoài ra còn có thể bị sốt nhẹ, nổi hạch ở tai, dưới hàm gây đau, họng đỏ, amidan sưng to…
IV. Cách phòng tránh bệnh đau mắt đỏ
- Để phòng ngừa bệnh, cần có ý thức giữ vệ sinh cá nhân tốt (dùng riêng khăn mặt, vật dụng cá nhân); khi mắc bệnh cần được nghỉ ngơi, hạn chế giao tiếp để tránh lây lan cho người khác.
- Khi có triệu chứng đau mắt đỏ nên đi khám bác sĩ để được chỉ định điều trị. Về nhà, cần dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ để bệnh nhanh hồi phục.
- Không đi học, đi làm khi bị đau mắt đỏ để tránh bệnh lây lan
- Tuyệt đối không dùng lại thuốc cũ hoặc dùng chung thuốc với người khác.
- Vệ sinh mắt bằng nước muối sinh lý thường xuyên.
- Rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, không dùng tay dụi mắt, sờ mắt.
- Nghỉ ngơi, chăm sóc dinh dưỡng hợp lý, ăn các thức ăn giàu vitamin để tăng cường sức đề kháng và giúp bệnh mau hồi phục.
- Không tự ý mua thuốc nhỏ mắt, đề phòng loét giác mạc làm bệnh nặng thêm và biến chứng khó lường
Đau mắt đỏ là bệnh lý nhẹ ít gây biến chứng nghiêm trọng nhưng dễ lây lan cho cộng đồng. Theo đó, người bệnh cần được nghỉ ngơi, chăm sóc mắt đúng cách, điều trị cách ly, dùng thuốc theo đơn của thầy thuốc nhãn khoa, hạn chế đi lại để tránh lây lan cho cộng đồng. Khi thấy có bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh, người bệnh nên đến ngay Cơ sở y tế để được tư vấn, thăm khám và điều trị kịp thời.