BỆNH SỞI: NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG VÀ CÁCH PHÒNG NGỪA
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII. Trần Đình Tỵ- PGĐ Bệnh viện Đa khoa Thanh Chương
Sởi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi.
- Bệnh sởi là gì và lây truyền như thế nào?
Bệnh sởi là bệnh lây truyền cấp tính qua đường hô hấp, do vi rút sởi gây nên. Bệnh có đặc điểm lâm sàng là sốt, viêm kết mạc mắt, viêm long đường hô hấp và tiêu hoá, có phát ban dát đỏ mọc tuần tự từ mặt đến thân mình. Trẻ bị bệnh sởi nếu không phát hiện kịp thời có thể thành dịch.
Virus sởi rất dễ lây qua ho và hắt hơi, tiếp xúc gần hoặc tiếp xúc trực tiếp với người bị nhiễm hoặc dịch tiết mũi họng. Virus vẫn hoạt động và dễ lây trong không khí hoặc trên các bề mặt bị nhiễm trong gần 2h.
- Triệu chứng của bệnh sởi
Bệnh sởi thường diễn ra qua 4 thời kì:
- Thời kì ủ/nung bệnh: 8 – 11 ngày: Thường không có biểu hiện lâm sàng
- Thời kì khởi phát (giai đoạn viêm long): Kéo dài 3 – 4 ngày với sốt nhẹ hoặc vừa, rồi sốt cao. Sau viêm kết mạc mắt đỏ có gỉ kèm nhèm và sưng nề mi mắt, viêm xuất tiết mũi, họng: Chảy nước mắt nước mũi, ho, còn có thể có hạch ngoại biên to.
- Thời kì toàn phát (giai đoạn mọc ban): Kéo dài 4 – 6 ngày. Ban mọc trong 3 ngày: Tuần tự mọc ở sau tai, lan ra mặt rồi lan xuống đến cổ, ngực, lưng,tay, ngày 3 lan đến chân. Dạng ban là ban hồng, dát sẩn, ban nhỏ hơi nổi gờ trên mặt da, xen kẽ các ban có khoảng da lành. Ban mọc rải rác hay lan rộng dính liền với nhau thành từng đám tròn 3 – 6 mm.
- Thời kì lui bệnh (giai đoạn ban bay): Ban bay theo thứ tự như nó đã mọc. Sau khi ban bay có để lại vết thâm trên da. Thông thường khi ban bay thì hết sốt, trừ khi có biến chứng thì trẻ vẫn sốt sau khi ban bay.
3. Nguyên nhân của Bệnh sởi
Tác nhân gây bệnh sởi được xác định là virus thuộc giống Morbillivirus của họ Paramyxoviridae. Đây vẫn được xem là bệnh nguy hiểm ở trẻ nhỏ có nguy cơ tử vong nếu không phát hiện và điều trị sớm sẽ để lại nhiều biến chứng nguy hiểm. Biến chứng thường gặp nhất là viêm tai giữa, viêm phổi, viêm não, tiêu chảy, mờ giác mạc, viêm thanh quản, suy dinh dưỡng nặng....
4. Cách phòng ngừa bệnh sởi
- Tiêm vắc xin: Chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc-xin sởi, trẻ từ 1–14 tuổi tiêm vắc-xin sởi – rubella đầy đủ và đúng lịch.
Vệ sinh cá nhân và làm sạch môi trường sống:
Rửa tay bằng xà phòng sát khuẩn cho trẻ, hướng dẫn trẻ tự thực hiện trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Vệ sinh mũi bằng dung dịch rửa mũi, nước muối sinh lý thường xuyên vì đây là nơi virus dễ xâm nhập gây bệnh nhất.
Hạn chế đưa trẻ đến nơi công cộng, nơi đông người trong mùa dịch sởi, đây là môi trường phức tạp có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao.
Không để trẻ tiếp xúc gần với người có dấu hiệu mắc bệnh sởi.
Vệ sinh da sạch sẽ cho trẻ, cho trẻ mặc quần áo thấm hút mồ hôi tốt, mềm mại.
Tăng cường sức đề kháng: Nâng cao sức đề kháng bằng cách ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung hợp lý các vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin A.
Hình ảnh internet
5. Hướng dẫn chăm sóc và theo dõi trẻ bị bệnh sởi tại nhà
- Bước đầu, nên đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế gần nhất, nếu trẻ bị sởi thể thông thường và đủ điều kiện chăm sóc và cách ly, thì nên chăm sóc tại nhà theo đúng hướng dẫn của các bác sĩ. Bao gồm:
- Cách ly trẻ bệnh với trẻ lành.
- Cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi sốt ≥ 38.5°C theo chỉ định của bác sĩ.
- Người chăm sóc cần đeo khẩu trang, rửa tay sạch trước và sau mỗi lần tiếp xúc với trẻ bị bệnh.
- Giữ vệ sinh da, mắt, mũi họng: Thay quần áo, vệ sinh thân thể như tắm hàng ngày, tránh để lạnh,nhỏ mắt , nhỏ mũi bằng nước muối 0,9% ngày 3 lần.
- Vệ sinh môi trường xung quanh, giữ gìn phòng thông thoáng sạch sẽ.
- Trẻ còn bú mẹ vẫn tiếp tục cho bú và kết hợp chế độ ăn bổ sung hợp lý